Đàn ông ám ảnh trinh tiết, nhưng toàn đòi... 'nếm trái cấm'!"Tôi thấy nhiều đàn ông bị ám ảnh về trinh tiết của phụ nữ. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống hình như hầu hết đàn ông đều muốn nếm "trái cấm" hoặc "ăn cơm trước kẻng".
Quan niệm về vấn đề trinh tiết và thực tế quan hệ tình dục trước hôn nhân hiện nay ra sao? Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn TS Khuất Thu Hồng - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội.
- Số ca tư vấn tại một Trung tâm tư vấn cho thấy mỗi ngày có 5 - 10 khách hàng là nam giới thắc mắc về trinh tiết của bạn gái, nhưng chỉ có từ 1 - 2 khách hàng nữ dè dặt và lo lắng về việc mất trinh của mình. Bà nhận xét thế nào về sự chênh lệch này?
- Tôi cũng thường xuyên nhận được các câu hỏi của nam thanh niên về trinh tiết của bạn gái và ít nhận được các câu hỏi từ các cô gái.
Điều đó phản ánh sự ám ảnh của nam giới về quyền lực của mình. Họ sợ bị lừa, họ sợ không kiểm soát được bạn gái/vợ, không tự tin về bản thân mình. Điều đó cũng phản ánh sự tồn tại dai dẳng của quan niệm cũ đo giá trị của người con gái bằng "màng trinh".
Các cô gái yêu hết mình không băn khoăn về việc giữ gìn trinh tiết, vì họ coi trọng tình yêu hơn. Trong khi nam giới muốn lấy đi hoặc đã lấy đi trinh tiết của bạn gái nhưng lại muốn kiểm soát họ.
Như vậy, có thể suy luận rằng phụ nữ coi trọng tình yêu còn nam giới coi trọng trinh tiết.
- Trong khi thắc mắc hoặc có thái độ nghi ngờ về "trinh tiết" của bạn gái nhưng đa số khách hàng nam này lại nói rằng "không quan trọng là còn hay mất" mà để xem bạn gái có thật thà hay không. Theo bà có đúng là họ không còn nặng nề về "trinh tiết" của phụ nữ?
- Không hẳn là những người này không còn nặng về trinh tiết phụ nữ mà họ sợ bị thiệt thòi. Một khách hàng của tôi cũng băn khoăn về trinh tiết của vợ mới cưới. Tôi hỏi anh ta rằng nếu giả sử em phát hiện vợ em không còn trinh thì em sẽ bỏ cô ấy à?
Anh ta bảo không bỏ nhưng như thế thì thiệt thòi quá. Tôi lại hỏi, nếu nghĩ là thiệt thòi thì anh sẽ quan hệ với người khác để bù đắp à? Anh ta bảo không nhưng vẫn khăng khăng như thế là thiệt thòi cho mình.
- Với lăng kính của nhà xã hội học, bà thấy quan niệm của đàn ông về trinh tiết của phụ nữ như thế nào?
- Tôi thấy nhiều đàn ông bị ám ảnh về trinh tiết của phụ nữ. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống hình như hầu hết đàn ông đều muốn nếm "trái cấm" hoặc "ăn cơm trước kẻng".
Nhưng đến khi lấy vợ thì cứ khăng khăng là vợ phải còn trinh. Thế thì ai sẽ nhận những trái cấm mà họ đã nếm?
Như vậy, một phụ nữ chắc phải có nhiều màng trinh mới có thể đáp ứng được những nhu cầu phức tạp đó của đàn ông. Tôi thấy một số phụ nữ cũng đã tìm ra cách đối phó bằng cách dùng màng trinh giả hoặc vá lại màng trinh. Đúng là gậy ông đập lưng ông.
- Một số nữ thanh niên tỏ ra mặc cảm, thậm chí là trầm cảm, chán sống, có ý định tự tử khi chưa lấy chồng mà không còn trinh. Thực tế này nói lên điều gì?
- Tôi cho rằng số này không nhiều vì trong thực tế không phải nam giới nào cũng đòi hỏi vợ còn trinh tiết. Tuy nhiên, nếu điều đó tồn tại thì nó chỉ phản ánh sự bất bình đẳng giới, sự thiếu tôn trọng đối với phụ nữ mà thôi.
Tôi cho rằng các cô gái đó đừng mặc cảm, nhất định họ sẽ tìm được hạnh phúc vì có quá nhiều đàn ông đã mất trinh từ lâu trước khi họ có ý định kết hôn. Đồng thời cũng có nhiều đàn ông không coi trinh tiết là tiêu chuẩn để đánh giá người vợ tương lai.
- Bất công trong việc đánh giá "trinh tiết" của phụ nữ cho thấy bức tranh về bất bình đẳng giới vẫn còn khá nặng nề. Theo bà nguyên nhân do đâu? Bao giờ mới thực sự có bình đẳng nam nữ trong lĩnh vực này?
- Bình đẳng giới trong tình dục gắn liền với bình đẳng giới trong kinh tế, lao động, xã hội... Bao giờ đạt được bình đẳng giới trong các lĩnh vực đó thì bình đẳng trong tình dục sẽ đạt được.
- Xin cảm ơn bà!