Gamer tại nước ngoài chơi GO Việt không phải là chuyện gì quá lạ lẫm. Tháng 8 vừa qua, một thanh niên nước ngoài đã chết sau khi chơi game ròng rã hơn một ngày tại khu đô thị Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trước đó cũng có những vụ việc thanh niên Hàn Quốc ngất trên ghế khi đang cày game ở Việt Nam.
Thế nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong cái phần nhỏ những người nước ngoài kết nối vào làng game Việt. Và để tìm được cái phần nhỏ này quả thật không phải dễ. Có quá nhiều rào cản khiến họ khó lòng vào được một trong những thị trường game lạ lùng và khó hiểu nhất của thế giới này.
Không hiếm người nước ngoài hoặc du học sinh đang gắn bó với GO Việt.
Cũng như những gamer trong nước khi chơi game ở các server quốc tế, gamer nước ngoài phải đối mặt với chất lượng đường truyền không tốt khi chơi game tại các server Việt nam. Do chất lượng các máy chủ không thể sánh với nước ngoài, lại đặt tại nước nhà, tình trạng lag, mất kết nối là không thể tránh khỏi.
Đây là một trong những rào cản lớn nhất cho việc chơi game VN từ nước ngoài. Tôi từng được tiếp xúc với một anh chàng 3x đến từ Togo và đang làm việc trong một bưu điện ở Anh.
Anh chàng cho biết, đã thử qua tất cả những thủ thuật để giảm lag cũng như những chương trình tăng tốc kết nối như Lower Ping hay Leatrix Latency…, kết quả là cũng chơi được tàm tạm Cabal Online bản tiếng Việt. Khi được hỏi sao lại cứ phải là Cabal Việt, anh chàng cho biết do em vợ, vốn là người Việt, rủ chơi…
Vấn đề đường truyền luôn là rào cản khó khăn đầu tiên.
Hay như trường hợp của Minh Tiến, một du học sinh đang theo học ngành Tâm lý học tại La Habana (Cuba), thì trong hơn 6 năm chu du đất khách quê người, 2 năm gần đây mới có mạng nhưng anh phải rất vất vả mới có thể chơi được một MMO phát hành tại Việt Nam. Một phần do chất lượng internet tại quốc gia này còn kém phát triển, một phần cũng do nguyên nhân như trên đã đề cập.
Nếu như sở hữu một đường truyền chất lượng tốt, còn phải tính đến vấn đề bị chặn IP nếu nước sở tại cũng phát hành game tương tự. Các chương trình Fake IP như Proxifier hay Hot Spot Shield là cứu cánh trong tình huống này. Cũng may là phần lớn các NPH Việt Nam khá dễ tính, hầu như chưa block tài khoản nào vì lí do Fake IP.
Anna Phương Thảo (ngoài cùng bên phải) - Cabal, Nhân (thứ 2 từ bên phải) – TLBB, Peter (áo xám giữa) – Kiếm Thế VN cùng nhóm bạn ở Canada.
Rào cản ngôn ngữ cũng là chướng ngại lớn với các gamer nước ngoài. Quả là khó khi chơi game mà không hiểu game yêu cầu mình làm gì. "Shout" hỏi thì các gamer Việt lại không hiểu, chưa kể tình trạng…bị ăn chửi vì cái tội…nói tiếng nước ngoài.
Anna Phương Thảo, một sinh viên Việt hiện định cư tại Canada kể về kỉ niệm “đau thương” lúc vừa mày mò chơi GO Việt Nam: “Hồi đó, em và ox cùng chơi với nhau. Ox em không hiểu Việt, không biết game nó bảo mình làm gì nên hỏi em. Em chat Eng với him bằng kênh normal, ai dè mấy đứa người Việt chửi um lên: Đ.. mày nói tiếng Anh thì cút, ngứa tai tao!…”
Đó là chưa kể những tình huống dở khóc dở cười do khác biệt ngôn ngữ gây ra. Thảo cười cười: “... Hồi đó em không hiểu vì sao cứ mỗi lần em cười lol thì tụi người Việt lại bảo em: Con gái sao lại văng tục... Em cũng không hiểu cái từ Lolz của họ luôn...”
Thảo, Nhân và KuangWei, người Hoa chơi Võ Lâm 2 VN.
Và thế là, khi mà không biết tiếng Việt để làm nhiệm vụ, họ đành chơi theo kiểu của các gamer Việt: cày cấp, kiếm trang bị khủng, pk… Và ở lĩnh vực này, họ khó mà theo kịp các gamer nước nhà. Thế nhưng, cũng có những người thật sự không ngán và theo đến cùng, chơi hết mình với các gamer Việt.
Ngày Cabal VN còn tồn tại, nhiều người từng có dịp tiếp xúc với SongKeo, một cậu sinh viên người Lào đang theo học tại Việt Nam. Keo nói tiếng Việt chuẩn, chơi game đều mỗi ngày, tham gia không sót một trận Nation War nào. Không rõ việc học của anh chàng tiến triển đến đâu, nhưng nhìn trang bị của cậu, ai cũng hiểu cậu cày game phải được liệt vào hàng “pro”.
Khác với SongKeo, -HARExHERA-, một anh chàng Nhật Bản đang chơi Audition, tuy cũng trang bị rất “Pro”, nhưng tất cả là do cậu không ngại bỏ tiền vào cash shop mua items. Lý giải cho điều đó, cậu nói đơn giản: vì muốn làm quen với những “bx” Việt. Cho tới nay, anh chàng đã có tổng cộng hơn 10 lần cưới và ly dị với các bx ảo.
Làm quen với thị trường GO Việt không phải là điều đơn giản.
Trong một lần trò chuyện, Anna Phương Thảo, hiện đã chuyển qua Cabal Bắc Mỹ chơi, tâm sự: “Em còn nhiều bạn bè người Việt lắm, muốn chơi game cùng họ, gặp gỡ hàng ngày qua game, nhưng bây giờ chơi ở Việt thì ngại lắm, mà chơi nước ngoài họ lại không có điều kiện… Mấy bạn em cũng đang chơi game ở Việt, but bảo họ mời bạn bè nước ngoài chơi chung thì họ lắc đầu. Ai cũng hiểu là chơi ở Việt vui nhưng chán lắm…”
Một sinh viên Hàn Quốc mới theo học tại đại học Hà Nội cũng cho rằng để làm quen với GO Việt Nam là điều không hề dễ dàng, đầu tiên là giới hạn 5h chơi vì tại quê nhà anh chưa từng có "tiền lệ" này, sau đó là việc rất khó để tìm kiếm sự giúp đỡ trong game (dù sử dụng tiếng Anh hoặc tiếng Việt bập bõm). "Tôi chơi một game bắn súng gốc Hàn nhưng hack nhiều quá, hỏi mấy người bạn Việt Nam thì họ nói là cố chịu đựng, trước đây tôi chưa từng gặp kiểu chơi như vậy", anh tâm sự.
Thế giới ảo tại trong nước có thật quá kén chọn?
Có lẽ tâm sự trên cũng đã nói lên tình trạng chung của các gamer nước ngoài khi chơi game ở VN. Còn nhớ, VTC Game đã từng mở server Khmer Samakie cho game Đột Kích, như một bước thử nghiệm để tiến đánh thị trường Campuchia. Nhưng rồi hầu như chả thấy ai là Khmer vào chơi mà chỉ toàn gamer CF VN vào “chăn gà”, chửi tục và hack.
Có lẽ, với những đặc thù của mình, thị trường game Việt không phải là nơi để các gamer nước ngoài “định cư”. Làng game Việt Nam luôn mở cửa cho bạn bè quốc tế, nhưng họ có vào hay không lại là một chuyện khác.